Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Thiếp Mộc Nhi què

Phần 1: Thiết Mộc Chân
thế kỷ 13 châu Âu run sợ trước vó ngựa Mông Cổ dưới trướng Thành Cát Tư Hãn; thời điểm Thiết Mộc Chân chết, quân Mông Cổ đã lập nên một đế quốc rộng nhất lịch sử, đông đến Hoàng Hải, tây giáp Biển Đen, bắc tới Nga và nam đến Ấn Độ
nửa đầu thế kỷ 14 Mông Cổ không còn thường trực đe dọa châu Âu, trừ Nga; nhà Ottoman nổi lên mới làm đau đầu các vị quân chủ phương tây
năm 1402 sultan Bayezid đệ nhất (ảnh trên) nhà Ottoman thua trận Ankara và bản thân Bayezid 1 bị cầm tù chết trong ngục; các vị vua phương tây đã trầm trồ trước thế lực mới nổi ở Trung Á, được lãnh đạo bởi vua Timur Lang lừng danh, người hiếm hoi trong lịch sử chưa để thua một trận nào trong cuộc đời

I. Lý lịch
Tamerlane là cách gọi sai của người phương Tây, tên đúng của ông là Timur, ghép với hậu tố phía sau là Timur–i–lang nghĩa là Timur Què. Timur phiên âm sang tiếng Hán gọi là Thiếp Mộc Nhi. Sử sách ghi chép Timur sinh ngày 8 tháng 4 năm 1336 tại Transoxiana, ngày nay là Uzbekistan; mặc dù Timur tự nhận là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn nhưng theo phả hệ thì ông thuộc dòng dõi gần với dân Thổ Nhĩ Kỳ hơn là người Mông Cổ
Timur thuộc bộ tộc Ba Lỗ [Barlas] đã từng bước thăng tiến làm lãnh đạo bộ lạc thông qua những chiến công sau này; tuy nhiên nhiều nghiên cứu sinh đã cho rằng gia cảnh Timur không tầm thường, dù không phải trưởng tộc nhưng cha Taraghay là người giàu có và quyền lực trong bộ tộc. Thiếp Mộc Nhi được cha dạy chữ và các kinh điển Hồi giáo, Timur có thể thuộc lòng kinh Qur’an; năm 20 tuổi, một lần tranh chấp với các bộ lạc lân cận, Timur bị đâm vào đùi và bị tên bắn rụng 2 ngón tay phải, khiến chân Timur bị tật suốt đời

II. Thiết Mộc Chân tuyển chọn trữ quân
Thành Cát Tư Hãn còn sống: con trai trưởng Truật Xích [Jochi] luôn bị nghi ngờ về huyết thống và bị bài xích bởi người con thứ Sát Hợp Đài. Trước khi chết, Thiết Mộc Chân viết di chúc cho người con thứ 3 Oa Khoát Đài được thừa kế ngôi vị Đại Hãn. Truật Xích (ảnh dưới) chết sớm, đất đai của Truật Xích được chia cho hai con trai của Xích là Oát Nhi Đáp (Orda) và Bạt Đô (Batu). Oát Nhi Đáp lãnh phần phía tây, tương ứng Đông Âu ngày nay, gọi là Bạch Trướng Hãn Quốc; Bạt Đô lãnh phần phía đông tương ứng miền tây nam nước Nga ngày nay, gọi là Thanh Trướng Hãn Quốc
trắng pha với xanh thì thành vàng, người Nga gọi tất cả lãnh thổ mà người Mông Cổ chiếm cứ của mình bằng cái tên Kim Trướng Hãn Quốc, còn gọi là Khâm Sát Hãn Quốc [Kipchak khanate] hoặc Ulus của Truật Xích - ulus tiếng Thổ nghĩa là bất động sản; Kim Trướng là Lều Lớn Bạt Vàng vì truyền thống Mông Cổ ở trong lều bạt, và chỉ có lều của khả hãn mới mang màu vàng; người Nga phải đóng thuế cho Kim Trướng Hãn Quốc và nhờ họ bảo kê để chống lại các cuộc cướp phá từ phía Tây
năm 1241 Oa Khoát Đài qua đời, hoàng hậu Bột Lạp Cáp Chân (Töregene Khatun) đứng ra nhiếp chính. Đại Hãn mới sẽ được bầu ra trong đại hội Khố Lý Đài [Kurultai] của các quý tộc, nhưng hoàng hậu Bột Lạp Cáp Chân (ảnh dưới) đề nghị các tướng lĩnh lập con trai bà Quý Do lên làm Đại Hãn luôn mà không qua bầu cử. Nhiều tướng lĩnh, quý tộc phản đối nên hội nghị tan vỡ. Bạt Đô bỏ ngang không tham gia đại hội, còn Thiết Mộc Ca (Temüge) – em trai Thành Cát Tư Hãn – hợp quân để tranh ngôi vị; Sát Hợp Đài, con thứ của Thành Cát Tư Hãn, lại ủng hộ Quý Do
năm 1242-1246 hoàng hậu Töregene nhiếp chính, pháp kỉ hỗn loạn, các quý tộc Mông Cổ đánh giết lẫn nhau; vợ góa của Đà Lôi là Sorghaghtani dẫn các con tham gia đại hội Khố Lý Đài, cùng với các quý tộc Mông Cổ, tôn Quý Do (ảnh dưới) lên ngôi, được sự ủng hộ của 2 trong số 4 nhánh hậu duệ chính thức của Thành Cát Tư Hãn
tháng 8 năm 1246 Quý Do lên ngôi Đại Hãn nhưng mâu thuẫn âm ỷ trong nội bộ hoàng tộc Mông Cổ vẫn chưa hết; Bạt Đô (ảnh dưới) tiếp tục bất đồng với Quý Do, thậm chí hai ông này định mang quân để “nói chuyện phải quấy” với nhau, nhưng ngay lúc căng thẳng thì Quý Do ốm chết, đến lượt hoàng hậu của Quý Do đã học theo gương mẹ chồng và tính đường nhiếp chính; Bạt Đô trở về thảo nguyên, mang theo một đạo quân đông đảo, khi tất cả nín thở đinh ninh Bạt Đô sẽ giành ngôi Đại Hãn thì Bạt Đô tiến cử con trai của Đà Lôi (con út của Thiết Mộc Chân) là Mông Kha
Mông Kha (ảnh dưới) tử trận, người Mông Cổ lại nội chiến cho đến khi Hốt Tất Liệt - em trai Mông Kha - đánh bại hết và sau đó diệt được nhà Tống, lập ra nhà Nguyên
Sát Hợp Đài Hãn Quốc là phần đất cùa Sát Hợp Đài (ảnh dưới) con trai thứ của Thiết Mộc Chân, gần như là hầu hết đất đai của Hoa Thích Tử Mô (đế quốc Khwarezm cũ), bao gồm hầu hết Trung Á và một phần Tân Cương ngày nay; Sát Hợp Đài chết, Sát Hợp Đài Hãn Quốc được cháu trai là A Lỗ Hốt [Alghu] thừa kế
năm 1259 Mông Kha chết, A Lý Bất Ca (ảnh dưới) và Hốt Tất Liệt đang tranh nhau ngôi Đại Hãn; A Lỗ Hốt ủng hộ A Lý Bất Ca, khi thấy A Lý Bất Ca rơi vào thế bất lợi thì A Lỗ Hốt đã quay xe, nhưng Hốt Tất Liệt đã “ghi nhớ” hành động này của A Lỗ Hốt
năm 1266 A Lỗ Hốt chết, con là Bát Lạt [Baraq] nối ngôi; Hốt Tất Liệt (ảnh dưới) phái một đoàn giám sát đến ăn ở ngay trong triều đình Sát Hợp Đài; sau đó Bát Lạt nổi đóa và tống cổ hết đám sứ bộ của Hốt Tất Liệt, ngay lập tức Hốt Tất Liện phái Hải Đô [Kaidu là cháu nội Oa Khoát Đài] mang quân sang phía tây đánh Bát Lạt
Bát Lạt thua trận và bị giam tại Transoxiana, sau đó xin thần phục và trở thành chư hầu của Hải Đô; sau này Bát Lạt tấn công A Bát Cáp (Abaqa ảnh dưới) của Y Nhi Hãn Quốc tại Ba Tư, nhưng bị quân Y Nhi Hãn Quốc đánh bại và phải chạy về Transoxiana. Bát Lạt mất không lâu sau đó, một vài Hãn của dòng dõi Sát Hợp Đài đã được Hải Đô lập lên làm bù nhìn
năm 1270 Hốt Tất Liệt nhiều lần xúi Y Nhi Hãn Quốc mở các đợt tấn công vào lãnh địa của Hải Đô, đỉnh điểm năm 1275 Hải Đô dẫn quân xâm chiếm Tây Tạng thì Hốt Tất Liệt mang quân cứu Tây Tạng, buộc Hải Đô lui quân
Hải Đô lập Đô Oa [Duwa] con trai của Bát Lạt làm Hãn của Sát Hợp Đài, người này đã tham gia vào các cuộc chiến của Hải Đô đánh Hốt Tất Liệt và các hậu duệ cai trị nhà Nguyên; cả Hải Đô và Đô Oa đều tích cực chống lại Y Nhi Hãn Quốc
năm 1301 Thiết Mộc Nhĩ là cháu thừa kế của Hốt Tất Liệt đã đánh bại cuộc tiến công của Hải Đô và Đô Oa vào Cáp Lạt Hòa Lâm; sau đó Hải Đô mất, Đô Oa xin hàng và nộp triều cống cho Nguyên Thành Tông [Thiết Mộc Nhĩ ảnh dưới]
năm 1304 Đô Oa của Sát Hợp Đài Hãn Quốc, con trai của Hải Đô là Chapar, Thốc Tác của Kim Trướng Hãn Quốc và Hoàn Giả Đô (ảnh dưới) của Y Nhi Hãn Quốc đã đồng lòng dâng thư xin Nguyên Thành Tông dẹp bỏ các mâu thuẫn trước đây, cùng hòa hảo và duy trì các mối quan hệ thương mại và ngoại giao, chấp nhận Nguyên Thành Tông là hoàng đế tối cao; Thiết Mộc Nhĩ trả lời: “các hậu duệ của Thiết Mộc Chân luôn luôn là huynh đệ của nhau”
III. Các hãn quốc
đặc điểm văn hóa của người Mông Cổ là dễ dàng bị đồng hóa bởi các dân tộc bản địa họ chinh phục: nhà Nguyên ở Trung Quốc bị Hán Hóa, Y Nhi Hãn Quốc bị Hồi giáo hóa, và Sát Hợp Đài Hãn Quốc bị Thổ Nhĩ Kỳ hóa
80 năm sau khi người Mông Cổ xây dựng lên đế chế khổng lồ của họ, các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đã tan rã: có Hãn cải sang Hồi giáo, có Hãn thì gương mặt nhìn trước nhìn sau giống người Thổ hơn là người Mông, có Hãn lại có trong tay gần 10 vạn quân nhưng lại toàn là người Trung Á
sức mạnh Mông Cổ suy yếu đã tạo thời cơ các bộ tộc bản địa nổi lên, dù không tuyên bố ra mặt nhưng đã rũ bỏ dần thế lực của các Hãn Quốc [Khanate]; năm 1346 Hợp Tán của Sát Hợp Đài Hãn Quốc bị tù trưởng Qazaghan bộ lạc Mông Cổ định cư ở Afghanistan [Qara'unas ảnh dưới] nổi dậy và giết chết, quyền quản lý Sát Hợp Đài Hãn Quốc đã rơi vào tay các bộ lạc Thổ và Thổ lai Mông Cổ bản xứ; vẫn duy trì một thành viên là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn làm khả hãn, song, ngai vàng chỉ là bù nhìn
năm 1358 tù trưởng Qazaghan bị ám sát, miền tây Sát Hợp Đài Hãn Quốc bị xâu xé; bấy giờ, từ phía đông ở Tân Cương, hậu duệ Thốc Hốt Lỗ Thiếp Mộc Nhi (Tughlugh ảnh dưới) của nhánh Sát Hợp Đài đã đánh sang phía tây; các thủ lĩnh người Thổ phía tây đã cử tộc trưởng Thiếp Mộc Nhi [Timur] của bộ tộc Ba Lỗ [Barlas] đi đàm phán với Thốc Hốt Lỗ nhưng Timur … kết đồng minh luôn với Thốc Hốt Lỗ và dẫn quân về đánh địch thủ
kinh nghiệm chinh chiến, quân Timur lớn mạnh, đến khi Thốc Hốt Lỗ cảm thấy sự đe dọa từ Thiếp Mộc Nhi (ảnh dưới) thì đã muộn; chính Thiếp Mộc Nhi hai lần chặn nỗ lực tây chinh của Thốc Hốt Lỗ
năm 1363 Thốc Hốt Lỗ chết (ảnh dưới: lăng mộ) Transoxiana phía tây của Sát Hợp Đài Hãn Quốc đã rơi vào tranh chấp giữa hai thủ lĩnh bộ lạc là Husayn (cháu nội của Qazaghan) và Thiếp Mộc Nhi; xét họ hàng thì Husayn là anh rể của Thiếp Mộc Nhi, nhưng Thiếp Mộc Nhi được hậu thuẫn của các thương gia, giáo sĩ Hồi giáo, giai cấp quý tộc và nông dân; Husayn mất lòng dân vì thi hành chính sách thuế khoá nặng nề và phung phí tiền thuế để xây dựng các công trình phù phiếm
năm 1370 Husayn đầu hàng Thiếp Mộc Nhi và bị ám sát, Timur chính thức thống trị Transoxiana; Thiếp Mộc Nhi cưới Saray Mulk Khanum, là một vợ của Husayn và cũng là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, đã đưa Thiếp Mộc Nhi trở thành quý tộc; sau đó, một bộ phận người Mông Cổ chạy về phía đông bắc lập ra Đông Sát Hợp Đài Hãn Quốc (ảnh dưới: Mughalistan) và thường xuyên giao chiến với vương triều Timur
giữa thế kỷ 14 ở Kim Trướng Hãn Quốc phía bắc châu Á, đại dịch Cái Chết Đen xảy ra; ảnh hưởng giao thương, các bộ tộc Nga không kham nổi tiền thuế cống nạp hằng năm và đã chống lại quân Mông Cổ
năm 1380 trận Kulikovo là lần đầu tiên người Nga đánh thắng quân Bạch Trướng Hãn Quốc, mặc dù quân số Mông Cổ đông gấp đôi; đây là trận đánh đầu tiên quân Nga có sử dụng súng
năm 1370 – 1380 Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh] dòng dõi Truật Xích đã không phục tùng khả hãn Urus của Thanh Trướng Hãn Quốc vì thù giết cha, bất chấp Urus ba lần dung thứ nhưng Thoát Thoát Mê Thất vẫn chiến tới cùng; bị đánh cho còn cái lai quần, Thoát Thoát Mê Thất chạy đến nương tựa Timur; Thiếp Mộc Nhi đã tra gia phả và biết Thoát Thoát Mê Thất là hậu duệ con trưởng của Thiết Mộc Chân nên đã ra sức cưu mang, giúp đỡ
năm 1377 hãn Urus (ảnh dưới) chết già, con trai nối ngôi cũng chết không lâu sau, Thiếp Mộc Nhi giúp cho Thoát Thoát Mê Thất một đội quân lớn và đưa về làm vua Thanh Trướng Hãn Quốc
năm 1379 Thoát Thoát Mê Thất đả bại người con thứ hai của Urus, chiếm thủ đô Sarai (ảnh dưới) của Kim Trướng Hãn Quốc
năm 1380 tin tức trận Kulikovo báo về, Thoát Thoát Mê Thất xua quân vượt sông Volga thanh toán nốt tàn quân của Bạch Trướng Hãn Quốc; tướng Mã Mạch (Mamai) vừa thất bại nặng nề trước người Nga đã không thể chống lại Thoát Thoát Mê Thất và phải bỏ chạy đến tận Crimea thì bị giết
năm 1382 Thoát Thoát Mê Thất đem quân tấn công các công quốc [Principality] là Novgorod, Moscow và Vladimir để trả mối hận ở trận Kulikovo; các công quốc Nga đã xin hàng và nộp triều cống cho Thoát Thoát Mê Thất giống như trước kia với Bạch Trướng Hãn Quốc
phía nam, được thành lập muộn hơn Kim Trướng Hán Quốc và Sát Hợp Đài Hãn Quốc, Y Nhi Hãn Quốc là “phần thưởng” của Hốt Tất Liệt dành cho em kế Húc Liệt Ngột (ảnh dưới) vì đã sát cánh cùng ông trong cuộc nội chiến giành ghế Đại Hãn với người em út A Lý Bất Ca (Ariq Boke); Y Nhi Hãn Quốc bao trùm gần hết Tây Á trải dài trên lãnh thổ các nước Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq, Syria và một phần Tân Cương ngày nay
thời Húc Liệt Ngột, cả Bạch Trướng Hãn Quốc tới Sát Hợp Đài Hãn Quốc đều có vài lần giao chiến với Y Nhi Hãn Quốc; Biệt Nhi Ca (ảnh dưới) của Kim Trướng Hãn Quốc năm xưa từng cùng với Húc Liệt Ngột đi đánh nhà Mamluk ở Ai Cập, nhưng nửa chừng thì được tin Mông Kha qua đời, Húc đã quay về thảo nguyên, giao quân lại cho ái tướng Khiếp Đích Bất Hoa
Khiếp Đích Bất Hoa theo Cảnh Giáo (Chính thống giáo Đông phương) trong khi Biệt Nhi Ca theo Hồi giáo, Biệt Nhi Ca vẫn cay Húc Liệt Ngột vì đã tàn phá thủ phủ Bagdad của Hồi giáo và giết chết khả hãn [khalip] al-Musta’sim (ảnh dưới) của đế quốc Abbasid
Biệt Nhi Ca rút quân về châu Âu ngay trước trận Ain Jalut (ảnh dưới) hậu quả là quân Khiếp Đích Bất Hoa bị diệt, và người Mông Cổ sau đó đã không bao giờ tiến xa hơn vào Ai Cập
thù hận, Húc Liệt Ngột thường xuyên mang quân đánh nhau với Bạch Trướng Hãn Quốc; sau Húc Liệt Ngột, các khả hãn của Y Nhi Hãn Quốc đã thường theo Phật giáo Tây Tạng, dù người dân Y Nhĩ Hãn Quốc hầu hết theo Hồi giáo và số lớn dân theo Chính thống giáo Đông phương
năm 1295 Hợp Tán (ảnh trên) cháu nội của A Bát Cáp và là chắt của Húc Liệt Ngột, đã lật đổ Bái Đô (Baydu); trước đó Bái Đô đã cải sang Hồi giáo, chính quyền đã thiên vị Hồi giáo trong các nỗ lực đưa vương triều Y Nhĩ Hãn Quốc xích lại gần hơn với đa số cư dân, những người không phải là dân Mông Cổ
Chính thống giáo Đông phương và Do Thái giáo đã phải trả thuế để duy trì đức tin, trong khi những người theo Phật giáo đã phải lựa chọn cải đạo hoặc bị trục xuất
năm 1303 ái phi Karamun qua đời, tháng 3 Hợp Tán đau buồn đã xuống chiếu lựa chọn trữ quân là em ruột Hoàn Giả Đô (Oljaitu ảnh dưới) vì Hợp Tán không có con trai nối dõi
ngày 17 tháng 5 năm 1304 Hợp Tán mất, Hoàn Giả Đô nối ngôi đến năm 1315 thì con trai Hoàn Giả Đô là Bất Tái Nhân [Abu Sa’id] lên nối ngôi và đã đối mặt với sự xâm chiếm liên tục từ Kim Trướng Hãn Quốc cũng như sự nổi loạn của các tù trưởng người Thổ bản xứ
năm 1335 khả hãn Hoàn Bặc (Oberk) của Kim Trướng Hãn Quốc mang quân xâm lược Y Nhi Hãn Quốc, Bất Tái Nhân (ảnh trên) trên đường hành quân ra trận đã lâm bệnh qua đời; người ta cho rằng Bất Tái Nhân bị bệnh dịch hạch Cái Chết Đen
không ai kế thừa, các gia tộc lớn ở Y Nhi Hãn Quốc và các tù trưởng địa phương đã nổi lên; suốt nửa thế kỷ, một khoảng trống quyền lực đã tồn tại ở Ba Tư, nhưng các đế quốc láng giềng là Sát Hợp Đài Hãn Quốc và Kim Trướng Hãn Quốc đều có những vấn đề nội bộ và chưa ai bận tâm dòm ngó Y Nhi Hãn Quốc
thập niên 1380 Thiếp Mộc Nhi [Timur] dẫn quân Sát Hợp Đài Hãn Quốc và Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh] dẫn quân Kim Trướng Hãn Quốc đã bắt đầu mang quân cướp phá Y Nhi Hãn Quốc
năm 1383 Timur (ảnh dưới: đi săn) bắt đầu chinh phục Y Nhi Hãn Quốc và năm 1385 chiếm Herat, Khorasan và toàn bộ miền đông Ba Tư
năm 1385 Tokhtamysh đánh phá Azerbaijan và tây bắc Iran, năm 1386 Tokhtamysh đánh vào thành phố Tabriz và thu nhiều chiến lợi phẩm

Phần 2: Chiến tranh với Kim Trướng Hãn Quốc
năm xưa Thiết Mộc Chân và Trác Mộc Hợp cùng kết nghĩa An Đáp [anda] cùng giúp nhau xây dựng cơ đồ; rồi Trác Mộc Hợp ba lần mang quân đánh Thiết Mộc Chân để giành quyền làm chủ thảo nguyên, cuối cùng chết dưới tay người huynh đệ kết nghĩa; 200 năm sau, những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đã diễn lại tấn tuồng này, là ba lần chiến tranh giữa Thiếp Mộc Nhi [Timur] và Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh]
I. Thoát Thoát Mê Thất tấn công
năm 1335 Bất Tái Nhân đột ngột mất mà chưa có con trai nối dõi, tể tướng của Bất Tái Nhân đã tiến cử Dã Xưng Vi (Arba Ke’un) kế vị khả hãn, nhưng Dã Xưng Vi không nhiệt tình mấy với Hồi giáo; các quan lại và tù trưởng người Ba Tư, người Thổ và người Mông Cổ đều không chịu phục tùng Hãn mới; nội loạn nổ ra, chia cắt lãnh thổ Y Nhi Hãn Quốc ra sáu tiểu quốc Chobanids, Injuids, Jalayirids, Kartids, Sardabars và Muzzaffarids
năm 1381 Sardabars bị Timur tấn công và đã đầu hàng, Thiếp Mộc Nhi chiếm được thành phố Khorasan (ảnh dưới) trù phú
năm 1383 Timur bắt đầu chinh phục Ba Tư, tiến vào thủ đô Herat (ảnh dưới) triều đại Kartid; Herat không đầu hàng, quân Thiếp Mộc Nhi phá thành phố Herat thành đống đổ nát và tàn sát hầu hết dân trong thành; Herat đã là một bãi tha ma tới tận 30 năm sau
Timur tiến về phía tây để đánh chiếm dãy núi Zagros, đi qua Mazandaran; trong chuyến viễn chinh qua phía bắc Ba Tư, Thiếp Mộc Nhi đã chiếm được thị trấn Mazandaran; thị trấn đã chủ trương đầu hàng và được đối xử nhân từ
năm 1384 Timur bao vây Soltaniyeh (ảnh dưới); năm 1385 thành Khorasan nổi dậy chống lại Timur, Thiếp Mộc Nhi đã dẫn quân quay lại và tàn phá thành phố này, những kẻ chủ mưu bị Timur cho treo lên tường thành và thiêu sống tại đó “để cho bất cứ người dân Khorasan nào cũng nhìn thấy được hậu quả”. Đến lúc này Timur đã làm chủ được miền đông Ba Tư
năm 1385 Thoát Thoát Mê Thất (ảnh dưới) đánh phá Azerbaijan, quân Kim Trướng tiến vào cướp phá thành phố Tabriz đã mang đi lượng lớn chiến lợi phẩm cũng như nô lệ và chuẩn bị tiến quân vào tây bắc Ba Tư
Thiếp Mộc Nhi gửi tin cho Thoát Thoát Mê Thất đề nghị quân Kim Trướng hãy dừng lại, nhưng không có hồi âm; năm 1386 Timur xua quân vào Azerbaijan, mùa đông năm 1386 quân Timur dừng lại trú đông ở Karabakh; quân Kim Trướng xuất hiện và tấn công vào tiền đội của quân Timur, bị đánh bất ngờ nhưng quân Thiếp Mộc Nhi vẫn chống đỡ chứ không hoảng loạn; 40 chỉ huy trong đội tiên phong của Timur đã tử trận, trước khi Miran Shah con trai Timur đã mang quân đến giải vây; Miran truy đuổi quân Kim Trướng chạy ngược trở về biên giới, bắt giữ một số chỉ huy của địch và áp giải về gặp Timur; Thiếp Mộc Nhi cho đối đãi ân cần với các tù nhân này, cho ăn no mặc ấm và cho người hộ tống trở về Kim Trướng
năm 1388 nhận thấy Thiếp Mộc Nhi đang đóng quân ở Azerbajian, Thoát Thoát Mê Thất đánh úp từ phía đông; quân Kim Trướng chia hai cánh, một tiến vào Sawran (ảnh dưới) một tiến vào Bukhara, hai cánh quân sẽ hợp binh tại Samarkand, thủ đô của đế quốc Timurid
các thành phố của Timurid đã kiên cố hơn dự tính của quân Kim Trướng, tổ chức phòng ngự chặt chẽ và bài bản, có sự phối hợp giữa các thành phố nên tốc độ tiến quân của Kim Trướng đã bị chững lại
mùa xuân năm 1388 Timur dẫn đại quân phía tây quay về đến Samarkand (ảnh dưới), Thoát Thoát Mê Thất thấy khó đã cho quân đội triệt thoái gấp về phía bắc
năm 1399 quân Kim Trướng lại đột kích vào Sawran, cướp phá thành phố; trả thù, Timur tiến quân vào Khwarazm (ảnh dưới) lật đổ nhà Sufi vì tội thông đồng với quân xâm lược
ba lần bị Kim Trướng Hãn Quốc quấy rối đã khiến Timur phải xem xét khả năng đánh phủ đầu Kim Trướng Hãn Quốc và phế truất Thoát Thoát Mê Thất để giải trừ hậu họa; Thoát Thoát Mê Thất liên tục tìm kiếm trợ giúp và kết đồng minh với các kẻ thù cũ của Thiếp Mộc Nhi như nhà Jalayirid và thậm chí cả nhà Mamluk ở Ai Cập

II. Trận sông Kondurcha
tháng 2 năm 1391 Timur dẫn quân tiến vào Kim Trướng Hãn Quốc từ phía Tashkent (ảnh dưới)
Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh] tập hợp đại quân nhưng tránh giao chiến trực tiếp, quân Kim Trướng liên tục rút lui về hướng bắc, mục tiêu là kéo giãn đội hình của Timur và buộc Thiếp Mộc Chân phải đi xa khỏi tuyến hậu cần
suốt bốn tháng, quân Timur truy đuổi quân Kim Trướng xa dần về phía tây; Timur cũng dần phát hiện rằng Tokhtamysh đang muốn đưa quân Kim Trướng lui về phía tây, băng qua dãy Ural rồi từ đó men theo đường biển để hội quân với các Hãn Quốc từ Crimea, Bolghar (ảnh dưới) và các công quốc Nga
Thiếp Mộc Nhi quyết định đưa quân ngoặt lên phía bắc, vượt qua sông Ural và tiếp tục đi về phía thượng nguồn; với cách di chuyển này, quân Kim Trướng bị phơi sườn ra trước quân Timur; quân Kim Trướng nếu tiếp tục rút về phía tây sẽ có nguy cơ bị đánh tạt sườn, nên Tokhtamysh xoay quân về hướng bắc đối trận với Timur
ngày 18 tháng 6 năm 1391 quân đội hai bên gặp nhau bên bờ sông Kondurcha, quân Kim Trướng đánh vào hai cánh tả hữu của quân Timurid; quân Timur đứng vững, sau khi cầm chân được hai cánh, trung quân của Thiếp Mộc Nhi xuất kích đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy của quân Kim Trướng
cục diện dần quay sang hướng bất lợi cho Tokhtamysh, Thoát Thoát Mê Thất và các tướng dưới quyền đã bỏ chạy khỏi chiến trường; quân Timurid tràn lên tàn sát tàn quân Kim Trướng, tương truyền rằng Thiếp Mộc Nhi đã cho quân Timur ăn mừng chiến thắng suốt hơn một tháng bên bờ sông Kondurcha
rút quân về Trung Á, Timur cho lập Thiếp Mộc Nhi Hốt Cách Lỗ Đặc [Timur Qutluq] làm hãn của Kim Trướng Hãn Quốc; Timur cài cắm thân tín Giả Địch Cổ [Edigu] làm nhiếp chính cho Hốt Cách Lỗ Đặc (ảnh dưới)
sau khi Thiếp Mộc Nhi và quân Timur rút đi, Tokhtamysh nằm im chờ thời một thời gian rồi mới bắt đầu ngóc đầu dậy; bấy giờ Thiếp Mộc Nhi Hốt Cách Lỗ Đặc và Giả Địch Cổ đang lo củng cố quyền lực ở phía đông, phía tây Kim Trướng Hãn Quốc bắt đầu ngả theo phía Tokhtamysh khá nhiều; Thoát Thoát Mê Thất tiếp tục được sự trợ giúp của nhà Mamluk ở Ai Cập, sultan Bayezid I của Ottoman và vua Gruzia Giorgi VII (ảnh dưới)
“dằn mặt” vua Giogri VII, Timur đã xâm lược chớp nhoáng vào Gruzia; riêng trong thời gian trị vì của Giogri VII, Timur đã 7 lần phát động chiến tranh với Gruzia

III. Trận sông Terek
tháng 3 năm 1395 Timur lại tiến đánh Kim Trướng Hãn Quốc, lần này từ phía tây, xuất phát từ Derbent (ảnh dưới); sau khi vượt qua dãy núi Kavkaz, quân Thiếp Mộc Nhi chạm trán đội tiên phong của Tokhtamysh; Timur sớm đả bại đội quân này và tiếp tục tiến lên
ngày 15 tháng 4 năm 1395 đại quân hai bên đối mặt bên bờ sông Terek nằm ở cộng hòa Daghestan ngày nay thuộc Nga
giống như trận chiến 4 năm trước, Thoát Thoát Mê Thất xua quân tiến lên trước; bản thân Timur xém nữa bị bắt làm tù binh, sau hai ngày chiến sự giằng co thì quân Timur cũng giành chiến thắng
Tokhtamysh chạy về phía bắc đến Bolghar và sau đó có lẽ tới Moldavia (ảnh dưới) Timur chia một phần lực lượng đuổi theo, bắt kịp tàn quân của Tokhtamysh và dồn quân Kim Trướng vào đồng bằng sông Volga rồi thực hiện cuộc tàn sát
Hốt Cách Lỗ Đặc [Timur Qutluq] và Giả Địch Cổ [Edigu] dẫn bộ binh tiến vào từ phía đông và giũ sổ bằng sạch những tiểu Hãn Quốc còn trung thành với Tokhtamysh; quân Timur đã truy kích Tokhtamysh lên tận Yones ở phía bắc, sau đó quay lại và tàn phá các thành phố của Kim Trướng Hãn Quốc
Giáo hội Chính thống giáo Nga đã ghi chép rằng: khi đến biên giới của công quốc Ryazan, quân Timur đã chiếm Yelets và bắt đầu tiến về phía Moskva; hoàng tử Vasili I (ảnh trên) dẫn quân đến Kolomna và dừng lại bên bờ sông Oka, nhưng quân Nga quá bé nhỏ trước đạo quân khổng lồ của Thiếp Mộc Nhi; các giáo sĩ đã mang biểu tượng Đức Mẹ Vladimir đến Moskva để ban phước cho các chiến binh trong đoàn quân
dọc đường, nhân dân đã xếp hàng quỳ gối cầu nguyện: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cứu lấy nước Nga!”. Đột nhiên, quân Thiếp Mộc Nhi bỏ dở cuộc hành quân và rút lui. Từ đó về sau, ngày 26 tháng 8 được người Nga lấy làm lễ kỷ niệm toàn Nga
nguyên nhân thực sự của cuộc lui binh này có lẽ vì quân Timur đã cướp bóc quá đầy đủ và bắt được nhiều nô lệ đến nỗi không thể mang thêm được nữa; tương truyền năm 1396 Thiếp Mộc Nhi khởi hành trở về Derbent, nô lệ đi theo đoàn quân này đông như những đàn cừu
IV. Trận sông Vorskla
năm 1399 sống dai như đỉa và khả năng … xoay chuyển tình thế, Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh] kêu gọi được những đồng minh Lithuania, Kiev, Polostk, Smolensk, Moldavia và Ba Lan… cùng nhiều lính đánh thuê gốc Nga, Đức… quân số chỉ 3 vạn, chủ yếu là quân Lithuania của công tước Vytautas (ảnh dưới); quân của Thoát Thoát Mê Thất có khoảng 8000 hầu hết là người Tatar từ hãn quốc Crimea
5 năm sau trận sông Terek, quân đội phía đông Kim Trướng Hãn Quốc của Giả Địch Cổ [Edigu] và Hốt Cách Lỗ Đặc [Timur Qutluq] chỉ huy đã rất hùng mạnh; Giả Địch Cổ huy động lực lượng đông gấp 3 lần quân của Thoát Thoát Mê Thất
tháng 8 năm 1399 quân hai bên gặp nhau trên bờ sông Vorskla vùng Đông Bắc Ukraine ngày nay; quân của Thiếp Mộc Nhi Hốt Cách Lỗ Đặc xuất hiện trước, lúc này quân số hai bên ngang nhau; cánh quân của Giả Địch Cổ đông gấp đôi vẫn đang ở phía sau và đang trên đường đến chiến trường
Thiếp Mộc Nhi Hốt Cách Lỗ Đặc dùng một kế cổ điển là giả vờ khiếp sợ trước sức mạnh của quân Lithuania và xin đàm phán với Đại công tước Vytautas để xin hàng, nhưng mục đích là câu giờ; Thoát Thoát Mê Thất đoán biết có sự gian trá và thúc giục đánh nhanh khỏi cần đàm phán gì sất, nhưng Vytautas đã mờ mắt tham lam những điều kiện mà Thiếp Mộc Nhi Hốt Cách Lỗ Đặc đưa ra; Vytautas (ảnh dưới) đồng ý đợi 3 ngày để quân Kim Trướng … hội ý cho xong
3 ngày sau, quân Giả Địch Cổ đã dư thời gian để đến chiến trường; Giả Địch Cổ ém quân trong những cánh rừng bên sông, và lúc này người Mông Cổ … lật kèo; Vytautas quê độ nên thúc quân đánh gấp để trả thù, khi trận đánh đang vào lúc ác liệt nhất, quân Kim Trướng bất ngờ … rút lui; quân Lithuania thừa thắng xông lên truy đuổi, đến chỗ mai phục thì quân Kim Trướng đổ ra chia cắt đội hình và vây chặt người Lithuania vào giữa
quân số Kim Trướng đông gấp 3, gần một nửa quân số Lithuania bị tiêu diệt tại trận, hơn 20 chỉ huy bao gồm các Vương công [prince] của các công quốc Kiev, Polotsk, Bryansk, Smolensk, Krakow… đã hy sinh; duy nhất thoát chết là Đại công tước Vitautas cũng bị thương nặng, chỉ còn có nửa cái mạng; chỉ Thoát Thoát Mê Thất lành lặn vì đã quá hiểu cái trò này của người Mông Cổ nên không dại gì mà đuổi theo
chiến thắng trên sông Vorskla, quân Kim Trướng ruổi ngựa thẳng một mạch đến tận Kiev để trừng phạt người Lithuania; các vương công ở đây đã chi ra số tiền chuộc khổng lồ (khoảng 3000 khối bạc hryvnia của Lithuania) thì quân Kim Trướng mới tha cho Kiev và rút lui
từ thế kỷ 15 trận Vorskla được coi là quyết định lịch sử Đông Âu. Đại công quốc Lithuania từ đó suy yếu, dù chưa đến mức sụp đổ thì cũng không đủ sức gây ảnh hưởng lên khắp các công quốc Nga như trước
Kim Trướng Hãn Quốc vốn dĩ đã suy yếu từ khi bị nhà Timur chi phối, dù thắng trận này nhưng sức mạnh trước kia cũng không còn; nên lịch sử Đông Âu sau thế kỷ 15 sẽ chứng kiến sự mạnh lên của Ba Lan và Nga, lợi dụng sự suy yếu của Lithuania và Mông Cổ để vươn lên giành ảnh hưởng các công quốc
Thoát Thoát Mê Thất (ảnh dưới) chạy thoát trận thua Vorskla, lần này chọn chạy về phía đông, sang tới Siberia
sau đó Thoát Thoát Mê Thất [Tokhtamysh] cũng nhận được ủng hộ từ các hãn quốc nhỏ ở Siberia, đồng ý giúp quân cho Thoát Thoát Mê Thất quay về đánh Giả Địch Cổ tận … 16 lần trong vòng 5 năm
năm 1406 một năm sau khi Timur qua đời, Giả Địch Cổ bày kế giả chết, cho quân lính phát tang để nhử Tokhtamysh vào bẫy; Thoát Thoát Mê Thất mang quân đến và bị một cơn mưa giáo mác, cung tên và đá từ bốn phía trút vào
từ sau năm 1399 Thoát Thoát Mê Thất đã không còn cơ hội gặp mặt Timur trên chiến trường thêm lần nào nữa; sau 2 trận chiến với Tokhtamysh, phía bắc đã tạm yên và Timur nhòm ngó sang phía tây của sultan Bayezid 1 nhà Ottoman.

Phần 3: từ Tây sang Đông
I. Cướp phá Delhi
tiếp theo Timur có hai lựa chọn: đánh Ấn Độ hoặc Trung Quốc? – ban đầu định đánh Trung Hoa, tương truyền rằng Thiếp Mộc Nhi quyết đánh Ấn Độ sau khi đọc một đoạn kinh Qu’ran và xem đó là một lời tiên tri; Timur lấy lý do rằng những lãnh chúa Hồi giáo ở Ấn Độ bấy giờ quá khoan dung với dân theo Hindu giáo bản địa của người Ấn, mà cụ thể là sultan Nasiruddin Mahmud của thành Dehli
năm 1398 Timur xua quân tiến đánh Ấn Độ từ phía bắc và ngày 30 tháng 9 quân Thiếp Mộc Nhi vượt sông Indus (sông Ấn) cướp phá thành phố Tulamba bên bờ sông và làm cỏ dân chúng trong thành
tháng 10 quân Timur chiếm được thành Multan (ảnh dưới) do phía bắc Ấn Độ phần lớn đã cải theo Hồi Giáo nên khi quân Thiếp Mộc Nhi đánh đến nơi người dân đều đầu hàng; nhưng càng đánh xuống phía nam thì dân chúng càng phản kháng, chướng ngại lớn nhất của quân Timur chạm trán là quân Rajput có sự hỗ trợ của vương quốc Hồi giáo Bhatner
Rajput không phải là tên một địa phương, cũng không phải là tên một người, mà là tên gọi một sắc dân sống rải rác ở Ấn Độ; những người Rajput có truyền thống tôn sùng võ thuật, hầu hết người dân đều là chiến binh và một khi đã lâm trận thì chỉ có chết chứ không có lùi
Thiếp Mộc Nhi điều chỉnh chiến lược, Timur đánh thành Bhatner (ảnh trên) trước nhằm cắt đứt hậu phương của người Rajput; Rao Dul Chand là chỉ huy quân Bhatner dự định sẽ khô máu với quân xâm lược, nhưng anh trai đã quá khiếp sợ Timur nên âm thầm … sai lính đóng cổng thành giữa lúc người em đang tử chiến với quân Thiếp Mộc Nhi
quân Bhatner bị tàn sát đến người cuối cùng, thành Bhatner sau đó mở cửa ra hàng nhưng cũng bị đồ sát và thiêu rụi; lính Rajput sau đó không đánh tự tan và đại quân Timur lại tiếp tục tiến xuống phương nam
trên đường nam hạ, quân Timur tiếp tục làm cỏ những chiến binh người Jat, một kiểu người du mục bản địa của Ấn Độ; bất chấp người Jat có truyền thống đánh không lại thì chạy và chạy rất nhanh nhưng Thiếp Mộc Nhi đã kịp ra lệnh cho quân Timur mượn tạm 2000 thủ cấp của những người Jat
tháng 12 năm 1398 quân Timur đã tiến đến trước cổng Dehli bấy giờ là một trong những thành phố giàu có nhất thế giới, với thành cao hào sâu không dễ khuất phục; sultan Nasiruddin Mahmud của Dehli đã nhận được viện trợ từ Mallu Iqbal, hình thành nên một đạo quân lớn, chủ lực là 120 voi chiến được bọc giáp và bịt sắt trên ngà
nhiều chiến binh Trung Á của Thiếp Mộc Nhi lần đầu tiên nhìn thấy voi xung trận, sức càn lướt và phá hoại kinh người đã làm chùn bước những chiến binh dày dạn kinh nghiệm
thấy tình huống bất lợi, Timur đã điều chỉnh chiến lược: trước tiên Thiếp Mộc Nhi hạ lệnh lui quân, sau đó cho đào một con hào rộng và sâu chắn trước đội hình; sau đó hạ lệnh mang tới những con lạc đà, chất lên lưng thật nhiều gỗ và cỏ khô nhất có thể
chuẩn bị xong, Timur cho quân tiến lên khiêu chiến; như mọi khi thì quân Dehli thúc voi chiến ra trận, quân Thiếp Mộc Nhi nhanh chóng lùi về; đến trước bờ hào, những con voi phải dừng lại vì không thể nhảy qua được; Timur cho đốt cỏ khô và dùng dùi sắt thúc lạc đà lao vào voi, vừa lao vừa hú lên vì đau đớn
nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ những con lạc đà lao thẳng đến với ngọn lửa từ lưng, những con voi sợ hãi quay lại và giẫm lên quân của Nasir-ud-Din; Thiếp Mộc Nhi tận dụng sự rối loạn của đối phương, thúc quân đánh dấn vào và sau đó giành được chiến thắng dễ dàng
ngày 17 tháng 12 Delhi thất thủ, Nasir-ud-Din Mahmud Shah Tughluq chạy trốn với tàn quân, bỏ lại thành trong đống đổ nát; vương quốc Hồi giáo Delhi thua trận, các cuộc nổi dậy của người dân chống lại đế quốc Timurid bắt đầu xảy ra, dẫn đến một cuộc tàn sát đẫm máu nhằm trả đũa ngay trong thành
sau ba ngày chịu đồ sát, khắp thành Delhi ngập tràn những thi thể đang phân hủy của dân thường với thủ cấp của họ được dựng lên như những ngọn tháp và những thi thể bị lính của Timur treo lên để làm thức ăn cho chim; thành phố Delhi đã không thể phục hồi nổi trong gần một thế kỷ sau đó
năm 1400 Timur đã có trận chiến với sultan Nasir-ad-Din Faraj của Ai Cập để tranh chấp ảnh hưởng ở vùng biên giới; thập niên 1400 đế quốc Timurid tranh chấp biên giới với cả nhà Mamluk ở Ai Cập (ảnh trên) lẫn nhà Ottoman ở phía tây bắc
năm 1401 Thiếp Mộc Nhi xua quân cướp phá Aleppo (ảnh trên) và Damascus; quân Timur cũng quay sang hướng tây nam, tấn công vào Baghdad và thực hiện cuộc đồ sát quy mô: mỗi người lính được lệnh phải giao nộp 2 cái đầu, thế nên lính của Timur chém tất cả những tù binh đã bị bắt từ trước, khi tù binh đã chém hết mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu, binh lính đã quay sang chém cả phụ nữ và trẻ em trong thành…

II. Cuộc thập tự chinh Nikopolis
cuối thập niên 1390 quan hệ giữa nhà Timurid và nhà Ottoman đã chẳng tốt đẹp; biên giới đế quốc Timurid ngày càng mở rộng, tiến gần đến lãnh thổ của nhà Ottoman
năm 1299 lập quốc, thế lực người Mông Cổ ở Trung Á bắt đầu suy yếu, nhà Ottoman nhỏ bé đã liên tục bành trướng về phía tây, chiếm đất của Đông La Mã [Byzantine] và xâm lược vùng Balkan, đánh bại người Serbia và hùng bá phía đông Địa Trung Hải
năm 1396 cộng hòa Genova kêu gọi một liên minh nhằm chống lại người Thổ và giúp Sa Hoàng Ivan Shishman (ảnh dưới) Bulgaria lấy lại thủ đô Nikopolis
đáp lại lời hiệu triệu, giáo hoàng Boniface IX kêu gọi các vua chúa châu Âu tổ chức Thập Tự Chinh chống lại người Thổ; cuộc thập tự chinh đã diễn ra trong hoàn cảnh các vua chúa và thế lực tôn giáo ở châu Âu đang chia rẽ: Anh – Pháp vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh trăm năm, ngôi vị giáo hoàng bị chia sẻ giữa hai nơi Rome và Avignon (ảnh dưới); chưa kể vùng Nikopolis là đất của Chính Thống Giáo chứ không phải Thiên Chúa Giáo
hưởng ứng lời kêu gọi của Boniface IX (ảnh dưới), các vua chúa phương tây đã gửi đến một đạo quân 3 vạn người từ 20 quốc gia và tổ chức tôn giáo
ngày 28 tháng 9 năm 1396 quân Thập tự chinh đã tấn công phủ đầu quân Ottoman; suốt ngày hôm ấy, chiến sự ác liệt nhưng phòng tuyến quân Thổ vẫn kiên cường đứng vững, mặc dù nhiều người bị bắt làm tù binh
ngày 29 tháng 9 năm 1396 quân Thập tự chinh đã tiếp tục tấn công; quân Ottoman bị đẩy lùi về một ngọn đồi cao, không biết rằng đó là cái bẫy đã được Bayezid I giăng ra; những kỵ sĩ Pháp đã mải lo truy đuổi quân Hồi và chạy theo lên đồi, khi vấp phải những cọc tiêu và hàng rào, các kỵ binh đã xuống ngựa và nhổ các cọc tiêu bằng tay để có đường tiếp tục tiến lên
chỉ huy liên quân đã đề nghị người Pháp hãy dừng lại, chờ cho cánh quân của Hungary tiến lên kịp, có thể trám vào vị trí của họ đã rồi hãy tiếp tục tiến lên; nhưng người Pháp không nghe theo lời khuyên đó, hậu quả là ngay khi đã ì ạch leo lên đến đỉnh đồi, người Pháp không còn thấy đám bại binh mà họ đang truy đuổi đâu nữa, thay vào đó là một đội quân sung mãn và khỏe mạnh đang đứng chờ
quân Pháp chỉ còn nước chạy dài, quân Ottoman đã đánh đúng vào chỗ khuyết trong đội hình mà người Pháp đã để lại và nhà Ottoman đã xoay chuyển cục diện trận chiến chỉ trong một buổi sáng
trận Nikopolis được xem như cuộc thập tự chinh cuối cùng của châu Âu trung đại và kết thúc với thất bại của liên quân; phía Thổ, thắng lợi đã mang lại uy thế cho đế quốc Ottoman trong thế giới Hồi giáo, gọi các chiến binh Ottoman (ảnh dưới) là Ghazi nghĩa là thần binh
với chiến thắng Nicopolis, Bayezid I không những nắm chắc vùng Balkan mà còn xóa tan mọi hy vọng giải nguy cho Constantinopolis của người Tây Âu

III. Trận Ankara
vì những chiến thắng vang dội trên, Bayezid I không xem Thiếp Mộc Nhi ra gì; cuối thập niên 1390 Bayezid I đã buộc hai nước chư hầu của Timur là Armenia và Gruzia thần phục và triều cống cho nhà Ottoman
trở về từ chiến thắng ở Syria, Thiếp Mộc Nhi mang quân (ảnh dưới) đánh Ottoman; Bayezid 1 đã phải miễn cưỡng rút lực lượng Ottoman khỏi cuộc phong tỏa Constantinople và hành quân suốt mùa hè về Ankara
đến nơi, toàn quân đã mỏi mệt và khát nhưng không có thời gian nghỉ ngơi; các tướng lĩnh của Bayezid 1 đã khuyên nên cố thủ, và nếu trong trường hợp bị quân Timur đẩy lùi thì quân Ottoman hãy rút vào vùng núi để buộc quân Thiếp Mộc Nhi phải chia nhỏ hàng ngũ, và đợi qua mùa hè rồi mới phản công; Bayezid 1 đã chọn thế trận tấn công trực diện và hành quân về phía đông
ngày 20 tháng 7 năm 1402 tại cánh đồng Çubuk (gần Ankara ngày nay) lực lượng hai bên đã đối trận; phía quân Timurid, Thiếp Mộc Nhi chỉ huy khu trung tâm, các con trai là Miran và Rukh ở bên phải và bên trái, và các cháu trai là đội tiên phong
Bayezid 1 chỉ huy khu trung tâm quân Ottoman với nòng cốt là các Janissaries - đội cấm vệ - con trai là Suleyman đảm trách cánh trái với những đội quân tinh nhuệ, Stefan Lazarević ở cánh phải chỉ huy quân đánh thuê Serbia, và một người con trai khác là Mehmed chỉ huy hậu đội
quân Timur có lợi thế quân số, người ta ước tính rằng Thiếp Mộc Nhi có tầm 14 đến 20 vạn lính, trong khi quân Ottoman là 65000 và thêm 2 vạn quân Serbia đánh thuê
quân Ottoman đã xông lên đánh trước và sớm hứng chịu đội cung kỵ Mông Cổ bên phía Timurid bắn ra trận mưa tên dày đặc, ước tính vài ngàn binh sĩ đã thiệt mạng chỉ sau mấy loạt tên đầu; phía Ottoman tung đội kỵ binh Serbia vào chiến trường, mang trên người tấm áo giáp đen dày, tỏ ra rất hiệu quả để chống chịu các mũi tên từ quân Timurid
quân Serbia đã chiến đấu dũng mãnh, chính Thiếp Mộc Nhi còn khen họ là “chiến đấu như những con sư tử trên chiến trường”; liên tiếp ba ngày, Stefan Lazarević và các hiệp sĩ đã ba lần thành công chặn được các cuộc tấn công của Timurid và thậm chí cứu được một người con của Bayezid và ngân khố của quân Ottoman khi suýt bị mất về tay quân Timurid
ngày thứ tư, quân Ottoman nguy khốn; quân của Thiếp Mộc Nhi đã chiếm con lạch Çubuk là nguồn cung cấp nước chính cho chiến trường, khi quân Ottoman không còn nước dự trữ thì kết cục đã ngã ngũ
trận chiến cuối cùng diễn ra tại đồi Catal, quân Ottoman vừa khát vừa mệt đã bị đánh bại; Bayezid 1 chạy thoát đến những ngọn núi gần đó với vài trăm kỵ binh
quân số Timur vượt trội đã nhanh chóng tìm ra và bắt được Bayezid 1 (ảnh trên) lần đầu tiên trong lịch sử, một sultan Thổ bị bắt làm tù binh
đồn đại rằng Timur đã bắt giam Bayezid I và xích lại trong lồng, trong khi vương hậu của Bayezid phải làm hầu gái phải khoả thân hoàn toàn trong cung điện của Thiếp Mộc Nhi, là một cách hạ nhục đối thủ
chủ đề Bayezid bị giam cầm đã trở thành một chủ đề nóng bỏng trong thơ ca nghệ thuật châu Âu thời trung đại
theo sử sách chính thống thì Bayezid 1 không hề bị đối xử tàn nhẫn như vậy, chỉ 3 tháng sau khi bị giam cầm, Bayezid I đã qua đời trong cung điện của Timur ở Smakand; có người kể rằng Bayezid 1 đập đầu vào song sắt nhà giam, có người bảo Bayezid 1 uống thuốc độc được giấu trong chiếc nhẫn; song, nguyên nhân hợp lý nhất có lẽ là do không hợp thủy thổ
nền chính trị Balkan, khi đó đế quốc Ottoman đang nắm quyền chủ động nhưng do cuộc xâm lược của Timurid, cuộc vây hãm Constantinopolis bị chấm dứt và quân Ottoman rút khỏi Balkan
các con trai của Beyazid vẫn còn sống và tự do, dẫn đến cuộc nội chiến giữa bốn người con trai của Bayezid làm đế quốc Ottoman tạm suy yếu và sự sụp đổ của đế quốc Đông La Mã [Byzantine] và cuộc xâm lược Balkan đã bị chậm lại một thời gian
chiến thắng trận Ankara đã khiến Thiếp Mộc Nhi trở thành “bạn tốt” của các nước phong kiến châu Âu: ngay khi chiến sự đang diễn ra, người Genova đã treo cờ của Mông Cổ trên các bức tường thành Galata để ủng hộ Timur; bấy giờ, bên cạnh Thiếp Mộc Nhi có hai sứ giả của hai vương quốc León và Castile là Pelayo de Sotomayor và Fernando de Palazuelos
Timur đã gửi sứ giả Hajji Muhammad al-Qazi, đến từ Sát Hợp Đài Hãn Quốc, mang thư và quà đến triều đình; phúc đáp, năm 1403 Henry III (ảnh trên) của Castile đã gửi sứ giả Ruy González de Clavijo đến triều đình của Thiếp Mộc Nhi ở Samarkand, cùng hai sứ giả khác là Alfonso Paez và Gomez de Salazar; khi đoàn sứ giả trở về, Timur khẳng định trong thư rằng ông coi vua của Castile “như con ruột của mình”

IV. Trách vì thầy thuốc dở dang
năm 1368 Chu Nguyên Chương chính thức lên ngôi hoàng đế ở Nam Kinh, đổi quốc hiệu là Đại Minh rồi sai tướng Từ Đạt (ảnh dưới) kéo 25 vạn quân Bắc tiến tấn công thủ đô Đại Đô của nhà Nguyên, là Bắc Kinh ngày nay
Ô Cáp Cát Đồ hãn là vua cuối cùng của triều Nguyên, Nguyên Huệ Tông là dòng dõi chính thống của Thành Cát Tư Hãn, là Hãn của các Hãn đối với những quốc gia bị người Mông Cổ chiếm đóng; bấy giờ tuy thế lực của quân Mông Cổ đã suy nhưng ở Trung Á, ngoại Mông Cổ và mạn Siberia vẫn còn những Hãn Quốc [khanate] làm chỗ dựa cho Huệ Tông
năm 1370 Nguyên Huệ Tông ốm nặng rồi mất, nhà Minh chính thức tiếp quản Trung Quốc
năm 1394 Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương sai sứ thần mang thư bố cáo đến trao cho Thiếp Mộc Nhi, viết rằng nhà Minh đã tiếp quản triều Nguyên, thế nên Timur có thể được xem như là … một thần dân của Đại Minh và có nghĩa vụ phục tùng triều đình
Thiếp Mộc Nhi nổi giận lôi đình ra lệnh bắt giam ba sứ thần Phó An, Quách Kính và Lưu Uy; những sứ thần tiếp theo mà Hồng Vũ Đế phái tới là Trần Đức Văn và sau này phái đoàn thông báo Vĩnh Lạc Đế (Minh Thành Tổ – Chu Lệ) đăng quang cũng đều được nhập kho
Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, Timur còn nhiều việc phải lo như đánh nhau với Thoát Thoát Mê Thất, chinh phục Ấn Độ… nên đến tận năm 1402 Vĩnh Lạc Đế lên ngôi thì Thiếp Mộc Nhi mới có thì giờ để “nghiêm túc” đàm đạo với Cathay – tức Trung Hoa theo tên gọi thời Trung Cổ
tự nhận là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, việc nhà Minh đuổi người Mông Cổ ra khỏi Trung Nguyên đã là một chuyện mà Timur “không thể chấp nhận được”, vì vậy mặc cho nhà Minh có gửi đến bao nhiêu sứ giả đi nữa cũng không thể thay đồi được thái độ của Thiếp Mộc Nhi
năm 1402 Timur lên kế hoạch xâm lược Trung Quốc, liên minh với các bộ lạc Mông Cổ còn sót lại ở bình nguyên Mông Cổ và chuẩn bị một đội quân để đến Bukhara
Đại hãn Bắc Nguyên khi ấy là Khắc Đồ Hãn đã gửi cháu trai Bản Nhã Thất Lý [Buyanshir Khan sau khi đổi sang Hồi giáo lúc đang ở Samarkand] đến gặp sứ giả của Thiếp Mộc Nhi để bàn kế hoạch tác chiến
tháng 12 năm 1404 Timur 'chốt' thực hiện chiến dịch quân sự đánh nhà Minh vào mùa đông năm ấy, huy động 20 vạn quân sẽ băng qua tuyết sâu và những con sông đóng băng để tới Trung Quốc; sau rốt, thời tiết xấu đã buộc đoàn quân dừng lại ở Kazakhstan - một mùa đông được mô tả là “khắc nghiệt nhất trong lịch sử”, quân lính của Thiếp Mộc Nhi đã phải đào sâu mấy chục thước vào lòng đất để tìm nước
đầu năm 1405 Timur bị cảm lạnh khi đang ẩn náu ở sông Syr Daria
ngày 18 tháng 2 năm 1405 Thiếp Mộc Nhi mất tại Farab, quân Timur vẫn chưa đến được biên giới Trung Quốc
cuộc viễn chinh đánh Trung Quốc đã bị hủy bỏ, và thi hài của Thiếp Mộc Nhi đã được đưa về Samarkand và mai táng dưới vòm mộ Gur-e Amir trong một chiếc quan tài bằng thép dưới một tấm ngọc bích dài 6 feet
nhà địa lý Clements Markham (ảnh trên) trong phần giới thiệu câu chuyện về chuyến thăm Samarkand của sứ giả Ruy González de Clavijo (ảnh dưới) người Tây Ban Nha, nói rằng: sau khi Timur qua đời, thi thể của Thiếp Mộc Nhi “được ướp với xạ hương và nước hoa hồng, bọc trong vải lanh, đặt trong quan tài bằng gỗ mun và gửi đến Samarkand, nơi nó được chôn cất.”
lăng mộ Gur-e Amir vẫn còn ở Samarkand, đã được trùng tu rất nhiều trong những năm gần đây; bia lăng có ghi: “Đây là nơi nghỉ ngơi của một vị vua hùng mạnh và vĩ đại, vị vua vĩ đại nhất, chiến binh hùng mạnh nhất, Chúa Timur, Đấng Chiến thắng của Thế giới”
Thiếp Mộc Nhi tử ẹo, các con trai đã nội loạn tranh giành quyền kế vị; trước đó Timur đã hai lần bổ nhiệm trữ quân: năm 1376 con trai trưởng Jahangir đã chết bệnh (ảnh dưới: lăng mộ), ngày 13 tháng 3 năm 1403 cháu trai Muhammad Sultan đã không thể qua khỏi với vết thương khi chiến đấu
sau cái chết của cháu trai, Thiếp Mộc Nhi đã không còn đề cập đến người kế vị nữa; chỉ khi đang nằm trên giường hấp hối, Timur mới chỉ định người cháu thứ hai Pir Muhammad là em trai của Muhammad Sultan làm người kế vị
Pir Muhammad (ảnh dưới) đã không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ những người thân, nhất là từ những ông chú tức là những con trai khác của Thiếp Mộc Nhi; ngoài người con đã chết sớm, Timur còn 3 người con trai khác cũng là những chiến binh dũng mãnh từng lập nhiều chiến tích
con thứ 2 của Thiếp Mộc Nhi là Umar Shaikh cũng là một tướng lĩnh từng theo cha chinh chiến từ sớm; năm 1393 Timur đánh bại triều đại Muzaffarid của Ba Tư, bắt và xử tử quốc vương Shah Mansur; Thiếp Mộc Nhi đã ban tặng lãnh thổ Fars trước đây của vương quốc cho Umar Shaikh (ảnh dưới)
tháng 2 năm 1394 dẫn quân đánh Baghdad, Umar Shaikh bị bắn vào cổ bởi một mũi tên bắn từ pháo đài Tuz Khurmatu (ảnh dưới); Timur được kể là đã không biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào khi biết tin con trai thứ tử nạn
con thứ 3 là Miran Shah đã theo Thiếp Mộc Nhi chinh chiến sớm nhất, từ năm 14 tuổi và lập nhiều chiến công nhất; thập niên 1380 Miran đã góp phần quan trọng trong những cuộc chiến chống lại Thoát Thoát Mê Thất, Timur đã trao cho Miran những vùng Baghdad, Tabriz (ảnh dưới) và Soltaniyeh trù phú nhất của Y Nhi Hãn Quốc cũ
năm 1392 Miran ngã ngựa trong một lần đi săn, tuy không chết nhưng có vẻ đã ảnh hưởng đến đầu óc; Miran bắt đầu chè chén và tiêu xài hoang phí, tương truyền rằng trong cung điện của Miran Shah rượu chảy tràn như suối; cả cung điện thường xuyên bị biến thành … sòng bài, mỗi khi thắng được tiền thì Miran thường đứng trên lầu cao ném tiền xuống cho thiên hạ trầm trồ dưới đường
mỗi khi lên cơn điên, Miran Shah (ảnh dưới) lại cho đập phá hay đốt một công trình kiến trúc nào đó, để cho mọi người phải nhớ rằng “dù không xây nên cái gì cả nhưng ta đã phá nát các công trình nổi tiếng đó”
chiến tích sa trường của Miran Shah cũng tụt dốc, năm 1395 bị đánh bại bởi quân Jalayirid và quân Georgia nhưng không bị Thiếp Mộc Nhi qưở trách; tiếng xấu đồn xa, cho tới khi chính thất của Miran Shah phải bỏ chạy khỏi cung điện, bà này chạy một mạch đến chỗ bố chồng, quần áo xốc xếch và mái đầu bị đổ phẩm màu loang lổ; bà khóc lóc, tố cáo Miran đã hóa điên và có nhiều hành động phản nghịch: Tuyên bố càn rỡ sẽ sớm thay chỗ Timur khi ông chầu trời và tiến hành xây dựng quân đội riêng
năm 1399 Thiếp Mộc Nhi cử một đoàn thanh tra đến xác minh lời đồn, Miran Shah không hề chống cự mà tự trói mình và đến chỗ Timur cầu xin sự tha thứ; các quan đại thần cũng nói đỡ cho Miran, không bị khép tội chết nhưng bị 4 năm quản thúc trong cung điện; những thân tín của Miran đã bị đày đi biệt xứ hoặc khép tội tử hình vì đã làm hoàng tử sa đọa
Miran Shah không thể đứng vào hàng ngũ khalip [người thừa kế] nhưng các con của Miran vẫn giữ được bổng lộc và không bị mất quyền chỉ huy quân đội; Timur qua đời, Miran và con trai Abu Bakr đã tiến quân về phía tây để ngăn chặn sự nổi dậy của các tàn dư thế lực cũ trong vùng
năm 1408 hai cha con Miran và Abu bị đánh bại trong trận Sardrud (ảnh trên) Abu Bakr may mắn chạy kịp nhưng Miran thì không; người Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi đầu và thi thể của Miran Shah, cùng với lời chia buồn, tới Shah Rukh (ảnh dưới) ngày 20 tháng 2 năm 1405 được chọn làm khalip [người kế vị]; Miran Shah được chôn cất tại lăng mộ Gur-e-Amir ở Samarkand
con út của Thiếp Mộc Nhi tên là Sa Cáp Lỗ [Shah Rulkh nghĩa là “nhập thành”] tương truyền rằng khi Rulkh ra đời, Timur đang đánh cờ vua với cận thần; người hầu đã hỏi Thiếp Mộc Nhi muốn đặt tên gì cho con trai sơ sinh, Timur vẫn không ngẩng lên, tay vẫn không rời quân cờ và bảo “nhập thành”
năm 1397 Sa Cáp Lỗ được cha bổ nhiệm làm thống đốc Khorasan có thủ phủ là Herat; Khorasan là khu vực quan trọng, nhưng Sa Cáp Lỗ không bao giờ được thăng chức vượt quá vị trí này trong suốt cuộc đời của Thiếp Mộc Nhi
có ý kiến cho rằng Timur tin rằng Sa Cáp Lỗ không có những phẩm chất cá nhân cần thiết để cầm quyền; mặc dù Hoàng tử vào thời điểm này đã nổi tiếng về sự khiêm tốn quá mức cũng như lòng sùng đạo cá nhân
Thiếp Mộc Nhi chết, cháu Pir Muhammad được chỉ định làm khalip [người kế vị] nhưng con trưởng Khalil của Miran Shah ngày 18 tháng 2 năm 1405 tự xưng sultan tại Tashkent (ảnh trên) và chiếm giữ ngân khố hoàng gia, cũng như kinh đô Samarkand (ảnh dưới) đế quốc Timurid
Sa Cáp Lỗ đã hành quân khỏi Herat và đến đóng quân bên bờ sông Oxus nhưng không có động thái tấn công nào; có thể vì Miran Shah, cha của Khalil, cùng với Abu Bakr đã cũng có những đội quân lớn sẵn sàng tham chiến; cả hai người này đều không thể gia nhập với Khalil, vì người Jalayirids và Qara Qoyunlu đã lợi dụng cái chết của Thiếp Mộc Nhi để nổi dậy ở phía tây
năm 1408 Miran Shah bị giết, năm 1409 Abu Bakr tử trận; từ năm 1409 tình hình chiến sự đảo chiều sang hướng có lợi cho Shah Rukh
sultan Khalil (ảnh trên) bắt đầu mất đi sự ủng hộ của các tiểu vương ở Samarkand; một nạn đói đã lan rộng sự bất bình của nhân dân, sultan Khalil đã bị bắt giữ bởi thủ lĩnh Khudaidad Hussain của bộ tộc Dughlat, người từng là cố vấn của hoàng tử; Hussain đưa Khalil Sultan đến Ferghana và tuyên bố là người cai trị ở Andijan (ảnh dưới)
Samarqand, bị bỏ rơi, đã được Shah Rulkh tiếp nhận; sultan Khalil, sultan Husayn và Pir Muhammad đều chết; Shah Rulkh không còn đối thủ, nghiễm nhiên trở thành người cai trị mới của đế quốc Timurid đã bắt đầu bị cắt vụn bởi sự nổi dậy của các thủ lĩnh địa phương
năm 1447 Shah Rulkh qua đời, các con trai đã tiếp tục chiến sự tranh ngôi khalip; suốt nửa thế kỷ, các hậu duệ của Thiếp Mộc Nhi cứ thế đánh nhau
năm 1501 cháu sáu đời của Timur là Babur (ảnh trên) sau khi để mất Sarmarkand lần thứ ba đã quyết định tiến vào Ấn Độ, lập ra nhà Mogul (cách nói trại của Mongol – nghĩa là Mông Cổ); triều đại Mogul đã thống nhất và trị vì miền bắc Ấn Độ từ thế kỷ 16 đến năm 1857 khi người Anh gõ cửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét